Sau 20 năm xây dựng, tượng Phật Di Lặc trên Núi Cấm, thị xã Tịnh Biên (An Giang) đạt nhiều đạt kỷ lục trong nước và châu lục.
Dự kiến vào ngày 27.11, thị xã Tịnh Biên và Ban quản tự chùa Phật Lớn (Núi Cấm) phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện 20 năm tượng Phật Di Lặc trên Núi Cấm và 10 năm đạt kỷ lục Châu Á.
Từ ngày hoàn thành vào năm 2003 đến nay, tượng Phật Di Lặc trên Núi Cấm không chỉ mang đến cho du khách, nhất là khách hành hương công trình tín ngưỡng, tôn giáo…, mà còn liên tiếp gặt hái nhiều kỷ lục quan trọng trong nước và khu vực.
Ngày 2.1.2006 đạt kỷ lục Việt Nam “Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở Việt Nam”. Đến năm 2008, được Trung tâm sách Kỷ lục công nhận “1 trong 14 kỷ lục Phật giáo Việt Nam”. Ngày 2.3.2013 tiếp tục đạt kỷ lục “Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở Châu Á”.
Tọa lạc trên đỉnh Núi Cấm cao trên 700m so mặt nước biển, với chiều cao 33,6m, nặng gần 1.700 tấn, tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng với nụ cười hiền đặc hữu, được xem như “kỳ quan thế hệ mới” của Núi Cấm. Lưng tựa vào những mảng xanh của rừng cổ thụ, mặt hướng ra mặt hồ Thủy Liêm 4 mùa xanh trong như gương trời, đối diện là ngôi già lam Vạn Linh uy nghi… tất cả như tôn tạo cho công trình tượng hoành tráng này vẻ đẹp trong mắt người đời lẫn người đạo.
Bởi sự hoành tráng về quy mô, đường nét.. mà còn ấn tượng về sự hài hòa của không gian tráng lệ và đẫm sắc màu Phật giáo. Vì thế, từ ngày hoàn thành, tượng Phật Di Lặc không chỉ tạo thêm điểm nhấn cho “nóc nhà” Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn tăng sắc màu cho vùng đất Thất Sơn mang trong mình cả kho tàng huyền thoại.
Tượng Phật Di Lặc này đã trở thành biểu tượng văn hóa – du lịch của Núi Cấm, khiến cho vùng đất là “điểm đến” của An Giang ngày càng thêm nhiều bước chân tìm đến khám phá…
Có 3 cách để thăm viếng tượng Phật Di Lặc trên Núi Cấm và cách nào cũng mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Một là đi bộ. Theo cách này, du khách tốn nhiều sức cho chặng đường quanh co khoảng 5km, nhưng bù lại lại thưởng thức những cung đường với ghềnh, dốc mà chỉ tên gọi đã đủ để nhớ đời, như dốc Trời Ơi là một ví dụ. Những lối mòn vắt mình các tảng đá lớn, bên dưới có hệ thống lò ảng dẫn nước từ các khe núi về suối Thanh Long, tạo nên những thanh âm lúc bổng, khi trầm như bản hợp xướng của núi rừng đại ngàn.
Thứ hai, đi theo con đường bộ chính thức được đầu tư với 2 làn xe ô tô lên xuống. Đi theo tuyến này, du khách có dịp đứng trên cao thu vào tầm mắt cả góc vùng Thất Sơn hùng vĩ với những ruộng lúa cò bay thẳng cánh…
Độc đáo nhất là đi bằng cáp treo từ chân núi lên nhà ga cách không xa chùa Phật Lớn. Hệ thống cabin được thiết kế 4 vách trong suốt, đảm bảo mọi người có được tầm nhìn bao quát cả cánh rừng già bên dưới. Thỉnh thoảng những đám hơi nước từ các mạch nước ngầm lừng lửng hiện lên rồi kết thành những chùm mây nô đùa trên các ngọn cổ thụ, mang đến du khách những cảm xúc liêu trai đầy thi vị…