Thích tìm những điểm du lịch “trần trụi” và độc đáo, Quốc muốn một lần được chứng kiến cuộc sống ở Burundi, quốc gia bị xếp hạng nghèo nhất thế giới năm 2022.
Chuyến đi của Phan Thanh Quốc (Kẻ Du Mục), sống tại TP HCM, được thực hiện vào tháng 11 năm ngoái. Theo Chương trình lương thực thế giới (WFP), 70% dân số Burundi sống trong cảnh đói nghèo, 52% trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh còi xương, suy sinh dưỡng và con số này còn có thể cao hơn tại các vùng nông thôn. Tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm cao, khó tiếp cận nguồn nước sạch khiến đời sống người dân càng khó khăn.
Sau khi kết thúc chuyến đi tới Rwanda, Quốc nhập cảnh đường bộ, qua xã Cendajuru ở đông bắc Burundi. Tại đây, Quốc được phát cho một tờ giấy nhập cảnh tạm thời và được yêu cầu đến Bujumbura, thành phố lớn nhất Burundi để lấy visa, quy trình khiến anh tốn hai lần nộp phí. Ngoài ra, Quốc cũng được yêu cầu đóng tiền xét nghiệm Covid-19 nhưng anh cho biết không có ai kiểm tra.
Với quãng đường 2 km di chuyển tới Bujumbura, nơi từng là thủ đô, du khách Việt sớm trải nghiệm tình trạng chặt chém khi một tài xế taxi đòi anh tới 20.000 BIF (khoảng 170.000 đồng) nhưng khi hỏi tới người thứ hai, mức giá chốt giảm còn 3.000 BIF (khoảng 25.000 đồng).
Quốc chỉ ở lại Bujumbura thời gian ngắn rồi bắt xe tới thủ đô Gitega. Tại bến xe, anh nhanh chóng trở thành “người nổi tiếng”. Hàng chục thanh niên xuất hiện, vây quanh anh. Ban đầu, họ chỉ tỏ ra tò mò về sự xuất hiện hiếm hoi của người nước ngoài, liên tục hỏi những câu như đến từ đâu, đến đây làm gì.
Trời đổ mưa, Quốc ngồi vào chiếc xe taxi đang chờ gom đủ khách nhưng đám đông vẫn chưa rời đi. Họ liên tục đập vào cửa xe, yêu cầu du khách Việt ra ngoài và cho họ tiền. Một số người giật vào tay nắm cửa khiến cửa kính chiếc taxi rung bần bật.
“Thực sự, tôi không nhớ mình đã trải qua cảnh này bao nhiêu lần nữa. Tôi không sợ nhưng cảm thấy bị làm phiền”, anh nói. Sau đó, anh xuống xe và một người đàn ông tiến tới, yêu cầu Quốc cho ông ta tiền.
Quốc cho biết ở những quốc gia nghèo châu Phi, mỗi ngày ra đường, anh thường cầm theo vài triệu đồng để tặng một số hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, giữa đám đông hỗn loạn này, việc cho tiền là không thể bởi “một người có, tất cả sẽ đòi theo”. Dù bị Quốc từ chối, người đàn ông kia vẫn kiên trì đòi tiền. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi chiếc taxi bắt đầu lăn bánh.
Quốc cũng bất ngờ trước cảnh ôtô xếp hàng dài cả km để chờ đổ xăng. Theo người địa phương, xăng vẫn còn khan hiếm ở nước này, số lượng cây xăng ít, nên người dân phải chờ rất lâu để đổ. Tại một cây xăng, Quốc còn thấy các nhân viên trải lưới gai xuống đất để tránh phương tiện chen hàng.
Ở thủ đô Gitega, cuộc sống tấp nập hơn, với những người luôn đội các gói hàng trên đầu để chào bán, có thể là đồ ăn hoặc bịch nước khoáng. Phương tiện di chuyển của người dân chủ yếu là xe đạp và đường sá đa phần vẫn là đường đất.
Quốc cũng “chết đứng” khi chứng khiến một người đàn ông nhặt rác ăn ngấu nghiến ở một bãi rác nằm ngay trên phố. Anh tiến lại gần và cho người đàn ông chút tiền trước khi rời đi. “Tôi không thể giúp hết mọi người ở đây nhưng cũng muốn hỗ trợ phần nào”, anh nói.
Tuy nhiên, việc cho tiền, đồ ăn ở Burundi cũng kéo theo nhiều rắc rối cho Quốc. Chỉ cần một vài người được nhận, hàng tá người khác sẽ kéo đến và xin, khiến anh luôn phải tìm cách thoát khỏi đám đông hỗn loạn. Anh cũng bị một số cửa hàng “vòi” tiền vì sự xuất hiện của anh “khiến mọi người tụ tập và cửa hàng không bán được”. Quốc đã miễn cưỡng đồng ý trả chủ một cửa hàng 1.000 BIF (khoảng 8.500 đồng). Do không có tiền lẻ, Quốc đưa cho ông chủ 5.000 BIF nhưng người này không trả lại tiền thừa. Sau một hồi tranh cãi, Quốc mới nhận lại được 4.000 BIF.
Dù có một số trải nghiệm không tốt, Quốc vẫn tìm thấy nhiều điều tích cực trong thời gian ba tuần ở Burundi. Theo anh, người dân ở đây khá thân thiện. Họ thích thú với máy quay và thường xuyên tiến lại để lên hình. Đặc biệt, họ luôn mỉm cười dù cuộc sống hàng ngày vất vả.
Theo Vnexpress