Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật cấm chăn nuôi và giết mổ chó để tiêu thụ, chấm dứt tục lệ ăn thịt chó gây tranh cãi sau trong nhiều năm qua.
Dự luật có hiệu lực từ 2027, cấm phân phối và bán các sản phẩm thực phẩm được làm hoặc chế biến bằng nguyên liệu từ chó, CNN đưa tin ngày 9.1. Tuy nhiên, những khách hàng tiêu thụ thịt chó hoặc các sản phẩm liên quan đến thịt chó sẽ không bị phạt. Luật pháp sẽ chủ yếu nhắm vào những người làm việc trong ngành nuôi bán và giết thịt chó.
Theo dự luật, bất kỳ ai giết chó để làm thức ăn có thể bị phạt tới 3 năm tù hoặc bị phạt tới 30 triệu won (khoảng 23.000 USD). Người nuôi chó để ăn hoặc cố ý mua, vận chuyển, tàng trữ hoặc bán đồ ăn làm từ chó sẽ bị phạt đến 2 năm tù, hoặc 20 triệu won.
Các chủ trang trại, nhà hàng thịt chó và những người làm nghề buôn bán chó khác sẽ có thời gian ân hạn 3 năm để đóng cửa hoặc thay đổi hoạt động kinh doanh của mình. Chính quyền địa phương có trách nhiệm hỗ trợ các chủ doanh nghiệp đó chuyển đổi sang các dạng doanh nghiệp khác.
Dự luật hiện đang được chuyển tới Tổng thống Yoon Suk Yeol để phê duyệt lần cuối.
Hàn Quốc có truyền thống ăn thịt chó giống như một số quốc gia châu Á khác. Ở Hàn Quốc, thịt chó được coi là thực phẩm có thể giúp con người xua tan cái nóng trong mùa hè, đồng thời cũng là nguồn cung cấp protein rẻ và sẵn có vào thời điểm tỷ lệ nghèo đói cao trước đây.
Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, có khoảng 1.100 trang trại chó hoạt động vì mục đích cung cấp thực phẩm ở Hàn Quốc và khoảng nửa triệu con chó được nuôi tại các trang trại này. Tuy nhiên, hoạt động của các trang trại này bị chỉ trích trong những thập kỷ gần đây. Cụ thể, các nhà hoạt động vì quyền động vật cùng các tổ chức bảo vệ quyền động vật trên thế giới như Humane Society International (HSI) – đã nỗ lực giải cứu những đàn chó khỏi các trang trại của Hàn Quốc và đưa chúng ra nước ngoài.
Số người Hàn Quốc ăn thịt chó cũng giảm đáng kể khi việc nuôi thú cưng trở nên phổ biến hơn trong những năm qua. Người tiêu dùng thịt chó hiện nay có xu hướng lớn tuổi hơn, trong khi người Hàn Quốc trẻ tuổi, sống ở thành thị không muốn ăn thịt chó, tương tự với xu hướng chung ở các nước châu Á.
Trong một cuộc khảo sát năm 2022 của Gallup Korea, 64% số người được hỏi phản đối việc ăn thịt chó, 8% số người trả lời đã ăn thịt chó. Đây là mức giảm đáng kể so với một cuộc khảo sát tương tự vào năm 2015, khi có 27% số người cho biết đã ăn thịt chó.
Thống kê chính thức cho thấy, từ năm 2005 đến năm 2014, số lượng nhà hàng phục vụ chó ở thủ đô Seoul đã giảm 40% do nhu cầu sụt giảm.
Lee Sang-kyung, Giám đốc chiến dịch cấm thịt chó tại HSI Hàn Quốc (Humane Society International), cho biết: “Khi nền kinh tế phát triển và nhận thức của người dân đối với động vật cũng như việc lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm và mọi thứ thay đổi, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để thay đổi bắt kịp thời đại”.
Mặt khác, dự luật cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những người nuôi chó và chủ doanh nghiệp. Họ cho rằng dự luật sẽ tàn phá sinh kế và truyền thống của họ.
“Không ai có quyền cướp đi quyền được có thức ăn của 10 triệu người (người tiêu dùng thịt chó) và quyền sống sót của 1 triệu người chăn nuôi và công nhân nuôi chó”, Hiệp hội Thịt chó Hàn Quốc cho biết trong thông cáo báo chí vào tháng 11 năm ngoái để phản đối việc cấm buôn bán thịt chó.
Tuy nhiên, ông Lee Sang-kyung lạc quan rằng thời gian ân hạn và các biện pháp cứu trợ của dự luật sẽ giúp những người chăn nuôi chó tiếp tục phát triển.
Ông cho biết: “Nói chuyện với các công nhân trong ngành tại HSI, chúng tôi biết rằng phần lớn những người chăn nuôi và giết mổ thịt chó đều muốn rời bỏ ngành này nhưng họ không biết làm cách nào để rời khỏi ngành. Nhưng giờ đây với dự luật, có gói bồi thường và hỗ trợ tài chính từ chính phủ, tôi nghĩ đây cũng là thời điểm thích hợp để họ rời bỏ ngành này”.
Theo Laodong