Công chúng có thể tìm hiểu hai di sản văn hóa phi vật thể: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội.
Chiều 1.12, Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái. Đây là di sản rất đặc trưng, lâu đời, mang tính tiêu biểu, đại diện của đồng bào dân tộc miền núi khu vực Tây Nguyên, dân tộc Thái ở Tây Bắc và một số địa phương khác.
Chương trình mong muốn truyền tải thông điệp: Hãy cùng “Lên Tây Bắc – Về Tây Nguyên, cùng cộng đồng đưa di sản đến với du lịch”. Từ đó, mỗi du khách đến những vùng miền này có thể gặp gỡ các cộng đồng địa phương, trực tiếp giao lưu và nghe chia sẻ từ đồng bào để thêm hiểu, yêu mến và trân quý các di sản văn hóa. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ và chung tay cùng cộng đồng phát huy giá trị di sản văn hoá của Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc khẳng định: “Du lịch di sản văn hóa được xác định là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam và là một thành tố cốt lõi tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam”.
Theo đó, trong ba năm 2019, 2020, 2022, Việt Nam đã được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”. Điều này cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của di sản văn hóa Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
“Chương trình trưng bày là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm đẩy mạnh quảng bá các giá trị độc đáo của di sản góp phần phát triển du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, ông Nguyễn Lê Phúc nói.
Tiến sĩ văn hóa học An Thu Trà, giám tuyển nội dung trưng bày của chương trình, cho biết đã làm việc với chuyên gia từ các bảo tàng tại Việt Nam để lựa chọn, giới thiệu tới công chúng di sản Cồng chiêng Tây Nguyên và Xòe Thái. Đây là những di sản tạo nên giá trị, bản sắc cho các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương.
Là một trong những nghệ nhân trực tiếp giữ gìn và bảo tồn nét đẹp của di sản văn hóa Tây Nguyên, anh Đinh Hgiót (huyện Kbang, Gia Lai) chia sẻ rằng anh cùng đồng bào thường xuyên trình diễn cồng chiêng vào các ngày lễ tết, đem tiếng cồng chiêng giới thiệu tới khách du lịch.
Anh mong muốn truyền đạt lại giá trị truyền thống tới các thế hệ tương lai, có thêm cơ hội giao lưu văn hóa cồng chiêng với đồng bào đến từ những huyện, tỉnh lân cận.
Chị Đinh Thị Hiến, người dân tộc Thái (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái), cũng bày tỏ mong muốn quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc đến du khách trong và ngoài nước.
Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản diễn ra đến hết ngày 2.12, với màn trình diễn nghệ thuật xòe Thái và cồng chiêng Tây Nguyên từ 8h – 12h và 13h30 – 16h30, tọa đàm Tìm hiểu về Cồng chiêng và Xòe Tháo với cộng đồng từ 9h – 10h, nối tiếp là tour tham quan trưng bày cùng giám tuyển.
Ngoài ra, xuyên suốt ngày 2.12 du khách có thể tự do tham quan trưng bày theo hướng dẫn, thử trang phục Thái và Bana miễn phí, chia sẻ ý tưởng về bảo vệ di sản và giao lưu với các nghệ nhân, người dân tộc Thái và Bana tại sự kiện.
Việt Nam có 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận bao gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Lễ hội Gióng; Ca Trù; Hát Xoan; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam; Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Đờn ca Tài tử Nam Bộ; Bài Chòi Trung Bộ; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Trong đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải khắp 5 tỉnh ở Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; chủ thể là hơn mười dân tộc sinh sống từ lâu đời tại đây, như Bana, Xơđăng, Giarai, Êđê, Mnông, Cơho, Mạ… Cồng chiêng được sử dụng nhiều và tập trung nhất trong lễ cúng ăn trâu và tang ma. Ngày nay cồng chiêng còn được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa đời thường. Nghệ thuật xòe Thái phổ biến ở các tỉnh Tây Bắc, như Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La…; chủ thể là dân tộc Thái, nhưng đã được nhiều dân tộc trong khu vực tiếp thu và thực hành. Hiện nay, Nghệ thuật xòe Thái là một trong những điểm nhấn đặc sắc thu hút du khách đến với vùng Tây Bắc để có những trải nghiệm chân thực về di sản văn hóa bản địa. |
Theo Laodong