Đoàn làm phim Planet Earth III của BBC miệt mài suốt hơn 20 ngày tại Việt Nam để ghi hình ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đặc biệt là Hang Sơn Đoòng, Hang Én, Hang Va…
Tối 26.11, những thước phim của Planet Earth III với hình ảnh Hang Sơn Đoòng đã được phát trên kênh BBC One tại Anh, tiếp tục công chiếu ở Mỹ, Canada và nhiều quốc gia trên thế giới.
Đây là một phần trong loạt series nổi tiếng Planet Earth của BBC, một trong những chương trình truyền hình tài liệu về thiên nhiên đỉnh cao trên toàn thế giới. Tập phim giới thiệu đến khán giả toàn cầu những cảnh đẹp thiên nhiên kỳ diệu của Hang Sơn Đoòng cũng như Việt Nam.
Đoàn làm phim Planet Earth III có lịch trình khá bận rộn và phải làm việc không ngừng nghỉ trong suốt hơn 20 ngày tại Việt Nam để thực hiện các cảnh quay ở nhiều khu vực tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cùng với các hang động nổi tiếng như Sơn Đoòng, Hang Én, Hang Va, và Hang Nước Nứt.
Đoàn làm phim của BBC gồm 6 thành viên, do nhà sản xuất Theo Webb dẫn đầu, cùng với ê kíp sản xuất và hậu cần đến từ Mỹ và Anh. Quá trình quay phim bên trong hang động diễn ra với điều kiện khó khăn, không gian tối mịt nên đoàn phải chuẩn bị rất nhiều hệ thống chiếu sáng tối tân cùng các thiết bị quay phim hiện đại.
Có mặt tại Hà Nội từ 23.1.2022, đoàn làm phim phải cách ly vì thời điểm ấy, Việt Nam chưa chính thức mở cửa du lịch quốc tế. Sau đó đoàn di chuyển đến Quảng Bình và sắp xếp hơn một tấn máy móc, thiết bị, sẵn sàng quay phim.
Ngày 30.1.2022, đoàn chính thức khai máy, ghi hình lại vẻ đẹp thiên nhiên bên ngoài rìa khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và phỏng vấn Hồ Khanh – người địa phương tìm ra cửa hang Sơn Đoòng và rất am hiểu vùng đất này. Khoảng 2 tuần tiếp theo, đoàn bắt đầu quay các cảnh chính trong Hang Sơn Đoòng và Hang Én.
Hang Én là một trong những hang động lớn nhất thế giới. Cung đường xuyên qua Hang Én cũng là lối đi duy nhất để đến được Hang Sơn Đoòng. Tại đây, đoàn đã thực hiện một số cảnh quay bằng drone đẹp mắt, ghi lại khung cảnh rừng núi trập trùng và Hang Én hùng vĩ.
Đoàn làm phim dành một tuần để quay hình xung quanh khu vực từ lối vào Hang Sơn Đoòng, dòng sông ngầm bí ẩn vào đến Hố Sụt 1. Với rất nhiều thiết bị và góc máy hiện đại khác nhau, lại từng khoảnh khắc của mỗi sự sống, mỗi sự chuyển động vốn có của hệ sinh thái bên trong hang.
Theo Webb, đạo diễn kiêm nhà sản xuất dẫn đầu đoàn làm phim Planet Earth III, nói: “Sự to lớn của hang động này gần như không thể tưởng tượng được và để quay phim nó quả là một thử thách với chúng tôi”.
Đạo diễn Webb ấn tượng với hệ sinh thái độc đáo trong hang. “Sự đa dạng sinh học của thực vật và động vật ở đây cũng đáng kinh ngạc. Có cơ hội quay phim chúng trong môi trường độc đáo và bảo tồn tốt như vậy thực sự là một đặc ân lớn, và chúng tôi vô cùng phấn khích về điều này”.
Trợ lý sản xuất Georgina Ward chia sẻ: “Ở đây tối đến khó tin, nếu không bật đèn lên bạn sẽ không biết có gì ở đây. Chúng tôi chỉ biết đang đứng ngay cạnh một con sông và phải băng qua con sông đầu tiên này để tiến sâu hơn vào trong hang. Nhưng, khi bật đèn lên quả thực là rất ấn tượng, nó quá lớn”.
Đặc biệt, đoàn làm phim đã dành 3 ngày để hoàn thành cảnh quay những giọt nước nhỏ rơi xuống, hay những rãnh nước nhỏ chảy tạo thành rãnh ở một khu vực gần dòng sông ngầm.
Howard Limbert, chuyên gia hang động và an toàn của Oxalis, đồng hành cùng đoàn làm phim BBC trong suốt hành trình. Ông cho rằng những nhà làm phim này chuyên nghiệp đến mức phải làm cho từng khung hình trở nên hoàn hảo.
“Những điều mà chúng ta thường mong đợi một đoạn phim chỉ mất vài phút để thực hiện, nhưng với họ, đó là một quá trình mất nhiều ngày để đảm bảo mọi chi tiết hoàn toàn chính xác”, ông nói.
Đó cũng là lý do quá trình quay phim kéo dài hơn dự kiến. Những ngày làm việc kéo dài từ sáng sớm đến đêm khuya, đối mặt với những khó khăn không chỉ cho đoàn làm phim mà còn đối với tất cả những người hỗ trợ dự án, theo ông Howard.
Đoàn làm phim tập trung khai thác sự đa dạng của hệ sinh thái trong Sơn Đoòng, Vườn Địa Đàng – khu rừng nhiệt đới đặc biệt phát triển ngay dưới Hố Sụt 2. Ngoài ra, các thành viên trong ekip cũng quay một số hoạt động phiêu lưu mạo hiểm như đu dây trên cao từ Hố Sụt 2 và ở đoạn Bức Tường Việt Nam, bức tường thạch nhũ khổng lồ cao 90m nằm ở phía cuối hang.
Quá trình quay phim của đoàn làm phim tại Hang Sơn Đoòng cũng phải đối mặt với điều kiện thời tiết trái dự kiến. Thời tiết tháng 2 thường rất thuận lợi, nhưng cả đoàn đã gặp phải nhiều ngày mưa và sương mù, gây nhiều khó khăn trong việc quay hình. Tuy nhiên, một số ngày nắng đẹp xuất hiện cho phép đoàn ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt hiếm có bên trong hang Sơn Đoòng.
Sau khi hoàn thành quá trình quay tại Sơn Đoòng, ngày 16.2.2022 đoàn tiếp tục hành trình đến Hang Nước Nứt và Hang Va. Hang Va gây choáng ngợp bởi hình ảnh phản chiếu của các hồ nhũ viền chứa hàng nghìn thạch nhũ tháp nón bên trong.
Đến nay, ekip ghi hình Planet Earth III của BBC được xem là đoàn làm phim có khoảng thời gian quay phim dài nhất tại Phong Nha và trong hang động từ trước đến nay, đặc biệt là trong Hang Sơn Đoòng.
Do đó, việc hỗ trợ hậu cần cho đoàn làm phim trong suốt khoảng thời gian đó là một thách thức lớn đối với Oxalis. Cùng với đó, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, Sở Ngoại vụ, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và UBND tỉnh Quảng Bình cũng tạo điều kiện hỗ trợ, ủng hộ đoàn làm phim.
Planet Earth III là phần đầu tiên ghi lại những cảnh quan kỳ vĩ nhất của thế giới ở châu Á trong series phim chuyên biệt về cảnh đẹp thiên nhiên của BBC. Planet Earth III được lên sóng từ cuối tháng 10.2023.
Hình ảnh hang Sơn Đoòng trong tập 6 của chuỗi series lên sóng ngày 26.11.2023, đem đến hình ảnh ngoạn mục qua góc quay của các nhà làm phim tài liệu hàng đầu thế giới. Bộ phim này dự kiến có thể tiếp cận đến 500 triệu người xem trên toàn cầu.
Việc đưa hình ảnh các hang động nổi tiếng Quảng Bình lên sóng BBC được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến nơi đây nhằm từng bước nhanh chóng phục hồi ngành du lịch Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội mới để tiếp nhận các dự án lớn từ các hãng truyền thông lớn toàn cầu.
Theo Laodong