Chuyên gia cho rằng, việc đánh giá và dự báo sai quy mô thị trường của cơ quan quản lý du lịch địa phương đã khiến lượng khách đến Phú Quốc sụt giảm mạnh, gây cú sốc lớn cho doanh nghiệp.
Câu chuyện về du lịch Phú Quốc đang là đề tài nóng thời gian gần đây, với nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề quản lý điểm đến, quy hoạch cho tới xây dựng, phát triển văn hóa làm du lịch. Ông Đặng Mạnh Phước, nhà đồng sáng lập và giám đốc Công ty nghiên cứu Outbox, trao đổi với Lao Động về bài toán quản lý điểm đến của Phú Quốc.
Điều đang xảy ra với Phú Quốc dường như không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia du lịch, nhưng có lẽ “cú sốc” đến sớm hơn dự tính của ngành du lịch địa phương – sau một năm 2022 được đánh giá là thành công của đảo ngọc. Theo ông, đâu là nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến sự sụt giảm lượng khách ở Phú Quốc?
– Tôi cho rằng sự sụt giảm lượng khách ở Phú Quốc trong năm nay là vấn đề đã được dự báo và cảnh báo từ giai đoạn cuối năm 2022 chứ không hẳn là một cú sốc bất ngờ. Nguyên nhân của sự sụt giảm này có thể nói chủ yếu đến từ các nguyên nhân chủ quan là những hạn chế yếu kém và sai lầm của chính du lịch Phú Quốc trong công tác quy hoạch, phát triển sản phẩm và đánh giá thị trường.
Một trong những sai lầm của ngành du lịch Phú Quốc – khiến cho việc sụt giảm lượng khách trong năm nay lại trở thành một cú sốc lớn với các doanh nghiệp – chính là việc đánh giá sai và dự báo sai quy mô của thị trường của cơ quan quản lý địa phương. Trong số 4,7 triệu lượt khách mà đảo ngọc Phú Quốc đón được trong năm 2022, có đến 96% là khách du lịch nội địa.
Sự tăng trưởng đột biến của thị trường khách nội địa trong năm 2022 ở Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng đã khiến cho ngành du lịch địa phương chủ quan và tự tin có phần thái quá vào quy mô và sức tăng trưởng của thị trường nội địa trong năm 2023. Do đó, địa phương không có giải pháp chủ động về thu hút thị trường quốc tế, hay xây dựng các kịch bản phát triển thị trường khách nội địa trong các tình huống khác nhau.
Ở góc độ nghiên cứu thị trường, sự tăng trưởng của thị trường khách nội địa trong năm 2022 là một yếu tố đột biến bởi các tác động khách quan như 2022 là năm đầu tiên mở cửa du lịch hoàn toàn của Việt Nam, du khách vẫn bị hạn chế đi du lịch nước ngoài. Do đó nhu cầu thị trường du lịch trong nước được đẩy lên tăng trưởng ở mức rất cao, thậm chí cao hơn cả năm 2019. Phú Quốc với lợi thế là một điểm đến mới đương nhiên sẽ hưởng được nhiều lợi thế.
Tuy nhiên, về nguyên tắc vận hành của thị trường, nhu cầu du khách đương nhiên sẽ có chiều hướng suy giảm trong năm nay, khi trạng thái thị trường đã bình ổn trở lại, du lịch outbound đã phục hồi hoàn toàn và bối cảnh kinh tế trong nước có nhiều khó khăn, chỉ số tiêu dùng của người dân thấp. Do đó, việc ngành du lịch Phú Quốc chỉ dựa vào dữ liệu thị trường năm 2022 một cách cơ học để xác lập các kỳ vọng vượt xa thực tế về lượng khách trong năm nay phần nào chính là nguyên nhân khiến lượng khách sụt giảm nghiêm trọng.
Các yếu tố khách quan khác như giá vé máy bay cao, chất lượng dịch vụ và an ninh an toàn điểm đến đương nhiên có ảnh hưởng đến vấn đề của du lịch Phú Quốc hiện tại. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là vấn đề mà các điểm đến khác trong cả nước cũng phải đối mặt và nó cũng chính là hệ luỵ của một giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây của Phú Quốc. Do đó, nếu chỉ tập trung vào các nguyên nhân này, du lịch Phú Quốc sẽ không bao giờ giải được bài toán của mình.
Từ góc nhìn của một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường du lịch và khách sạn, ông cho rằng Phú Quốc đang thừa gì và thiếu gì khi làm du lịch?
– Du lịch Phú Quốc đang có rất nhiều thứ nhưng lại thiếu cái quan trọng nhất, là chính hình ảnh điểm đến (destination image) của Phú Quốc. Đó là những bản sắc tạo nên giá trị riêng biệt của thương hiệu Phú Quốc.
Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng đối với du khách trong việc lựa chọn điểm đến giai đoạn sau Covid-19 là yếu tố “value for money”. Đối với một điểm đến ở xa mà chi phí tiếp cận chiếm một khoản đáng kể trong chi tiêu du lịch như Phú Quốc, yếu tố tiên quyết để hấp dẫn du khách là cung cấp những sản phẩm, trải nghiệm đáng tiền, mang tính đặc trưng và địa phương cao không thể tìm được ở nơi khác.
Sau một năm thành công nhờ vào sự tò mò của du khách và hỗ trợ phần nào đó từ chính sách giá vé máy bay kích cầu của các hãng hàng không, khi mọi thứ quay trở lại bình thường, du lịch Phú Quốc đang thiếu giá trị “value for money” đó để thu hút khách bền vững.
Nhìn rộng ra, ở góc độ quản lý du lịch, du lịch Phú Quốc đang không có một chiến lược phát triển tổng thể cho toàn bộ điểm đến; trong đó xác định rõ định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu, truyền thông hay thị trường mục tiêu của đảo ngọc.
Việc phát triển và phục hồi du lịch Phú Quốc dường như đang được thả nổi cho bản thân các doanh nghiệp địa phương tự tìm cách mà thiếu tính kết nối tổng thể. Ngành du lịch Phú Quốc khó có thể kỳ vọng vào sự phục hồi nếu không có những đầu tư và cách tiếp cận phù hợp trên nền tảng chuyên môn kỹ thuật nhiều hơn.
Liệu trên thế giới có một mô hình điểm đến nào tương tự cho ngành du lịch Phú Quốc học tập trong quá trình phát triển, quy hoạch và quản lý?
– Mỗi điểm đến sở hữu cho mình những lợi thế và hạn chế riêng biệt, cũng như quá trình định hướng phát triển khác nhau nên với hiện trạng Phú Quốc hiện tại, tôi cho rằng sẽ không có mô hình nào có sẵn để Phú Quốc học tập làm theo. Bản thân ngành du lịch Phú Quốc cần có những nghiên cứu, phân tích và đánh giá chính xác, khách quan về hiện trạng của mình để có thể đưa ra được một kế hoạch và chiến lược phát triển, quy hoạch phù hợp với lợi thế và thực tế của điểm đến.
Ở góc độ khu vực, du lịch Phú Quốc từng xác định Phuket hay Bali là những đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nếu cần một mô hình điểm đến để học tập, du lịch Phú Quốc hoàn toàn có thể xem xét cách thức mà hai đối thủ cạnh tranh này đã và đang phát triển du lịch; từ đó kết hợp với những phân tích đánh giá nội tại để rút ra được cho mình những cách tiếp cận thích hợp.
Từ thực tế, ông có đề xuất nào về giải pháp ngắn hạn và dài hạn dành cho ngành du lịch Phú Quốc?
– Trong ngắn hạn, tôi cho rằng ngành du lịch Phú Quốc cần ưu tiên cho công tác thị trường để xác định rõ lại đối tượng thị trường mục tiêu, quy mô thị trường tiềm năng. Từ đó, nắm bắt chính xác tính hấp dẫn của điểm đến, cũng như đo lường phản hồi của du khách để có cơ sở xây dựng các kế hoạch thị trường trong thời gian tới.
Đây sẽ là cơ sở chính xác để du lịch Phú Quốc xác định lại mục tiêu phát triển phù hợp, cũng như tìm ra các hạn chế và kỳ vọng của du khách đối với du lịch địa phương này. Bên cạnh đó, các tồn tại trong công tác quản lý địa phương hiện tại cũng cần nhanh chóng được cải thiện để phục hồi được hình ảnh điểm đến.
Trong dài hạn, du lịch Phú Quốc cần ưu tiên xem xét lại công tác quy hoạch, chiến lược và phát triển sản phẩm một cách bài bản với sự tham gia của các đơn vị tư vấn chuyên môn độc lập. Mọi ý kiến ở thời điểm hiện tại đều là các phân tích chủ quan và mang tính tham khảo, không thể làm cơ sở để du lịch Phú Quốc đề ra phương án phục hồi. Tất cả giải pháp có thể đưa ra cho Phú Quốc phải đến từ các nghiên cứu bài bản, định hướng dữ liệu trên cơ sở tiếp cận khách quan.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Theo Laodong