Khi Gilbert Ott, blogger du lịch trang God Save the Points, đặt chỗ cho chuyến bay qua đêm từ New York (Mỹ) đến London (Anh), anh nhận thấy một điều mới lạ trong danh sách các lựa chọn dịch vụ đi kèm.
Ngoài các lựa chọn như ăn chay hay bữa ăn kosher (những loại thực phẩm tuân thủ theo chế độ ăn uống của người Do Thái), còn có lựa chọn bỏ qua dịch vụ ăn uống. Anh bỏ qua bữa ăn trên máy bay và cho rằng đây là điều mà tất cả hành khách đi máy bay nên cân nhắc lựa chọn.
Ott đã chia sẻ ý kiến của anh ấy trên blog cá nhân: “Tôi đã lựa chọn bỏ bữa trong hầu hết mọi chuyến bay. Việc ăn vào lúc nửa đêm ảnh hưởng đến cả ngày hôm sau và tôi nghĩ có cơ sở khoa học cho việc dùng bữa sẽ làm tổn hại đến khả năng phục hồi khỏi jet lag sau chuyến bay“.
Mặc dù không phải hành khách nào cũng quan tâm tới việc bỏ bữa trên máy bay như Ott, một số hãng hàng không như Delta Air Lines hay Japan Airlines (JAL) đều đã bổ sung lựa chọn “không dùng bữa trong suốt chuyến bay”.
Hiện tại, lựa chọn “không dùng bữa” chỉ dành cho một số hành khách ở khoang hạng thương gia Delta One của hãng Delta. Đại diện của hãng hàng không này chia sẻ rằng kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm ngoái, hành khách tự nguyện từ chối khoảng 1.000 – 1.500 bữa ăn mỗi tháng.Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ 0,3% hành khách từ chối bữa ăn cũng là một thử nghiệm hữu ích, giúp các hãng hàng không giảm nhiên liệu, chi phí và chất thải trên máy bay. Theo các hãng hàng không, lựa chọn “không dùng bữa” không chỉ thân thiện với môi trường mà còn giúp giảm lãng phí thực phẩm.
Đây là biện pháp “tẩy xanh”?
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đưa ra những chỉ trích chương trình “bỏ bữa trên máy bay” và cho rằng các hãng hàng không có thể đang “tẩy xanh” bằng cách ngụy tạo lớp vỏ “thân thiện với môi trường” để che giấu việc cắt giảm chi phí.
Vào năm 2020, khi JAL đưa ra lựa chọn “bỏ bữa”, hãng hàng không này cung cấp bù cho hành khách một bộ dụng cụ tiện nghi miễn phí.
Nhà phê bình Gary Leff của blog View from the Wing cũng đã đưa ra ý kiến về chương trình này của JAL ngay sau đó: “Tôi cho rằng việc Japan Airlines tiết kiệm chi phí bằng cách giảm lãng phí thực phẩm là hợp lí nhưng đây giống như áp đặt hành khách phải có nghĩa vụ đưa ra quyết định có nên bỏ bữa hay không ít nhất 25 giờ trước khi khởi hành. Nói cách khác, liệu các hành khách có chắc chắn họ sẽ không đói trong suốt chuyến bay để lựa chọn bỏ bữa trước khi khởi hành?“.
Chương trình này của JAL bắt đầu dưới dạng thử nghiệm trên một số tuyến hạn chế. Giờ đây, lựa chọn này đã có ở tất cả các hạng dịch vụ trên mọi chuyến bay quốc tế. Ban đầu, đây được gọi là “lựa chọn nhân đạo”, tuy nhiên từ “nhân đạo” đã bị xóa bỏ ngay sau đó.
JAL cũng đưa ra thông báo rằng với mỗi bữa ăn bị bỏ qua hãng sẽ quyên góp một khoản tiền cho tổ chức từ thiện Table for Two để cung cấp bữa ăn trưa ở trường cho trẻ em nghèo. Tuy nhiên, hãng hàng không này vẫn chưa nêu rõ được số tiền hay tên của trường học sẽ được nhận quyên góp.
Phương pháp làm giảm lãng phí thức ăn
Một phương pháp giúp giảm lãng phí thức ăn được nhiều người đề xuất là quyên tặng cho các ngân hàng thực phẩm hoặc nơi tị nạn. Tuy nhiên, với các quy định nghiêm ngặt của ngành hàng không và các luật tại sân bay, điều đó gần như là không thể ngay cả khi các bữa ăn được đóng gói nguyên vẹn. Ngoài ra, cũng có cả các quy định nghiêm ngặt ngăn du khách mang trái cây, thịt hoặc các loại thực phẩm khác qua biên giới.
Vì vậy, điều gì xảy ra với thức ăn thừa của các hãng hàng không? Một số hãng hàng không cho phép tiếp viên ăn các bữa ăn hạng thương gia hoặc hạng nhất chưa qua sử dụng nhưng phần lớn các bữa ăn sẽ bị thiêu hủy hoặc đổ vào thùng rác.
Bằng cách tuyên truyền cho hành khách về những vấn đề liên quan đến giảm lãng phí thực phẩm, việc bỏ bữa trên máy bay không chỉ là lựa chọn cá nhân mà có thể trở thành một biện pháp hữu ích để bảo vệ môi trường và vì lợi ích sinh thái.
Theo Laodong