Trừ Phú Quốc và Cần Thơ thu hút đầu tư lớn nhất vùng ĐBSCL, các địa phương hầu hết chưa khai thác thế mạnh riêng về du lịch.
Tọa đàm về Chương trình Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn 2045 (SDMD 2045), diễn ra vào 29.9 với chủ đề “Văn hóa, kinh tế, xã hội và nhân văn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – đặc trưng, đổi mới và phát triển”. Tại tọa đàm diễn ra ở Trường Đại học Cần Thơ (TP Cần Thơ), TS Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đưa ra những định hướng chiến lược phát triển ngành du lịch ĐBSCL trong thời gian tới.
Thách thức
Ông Phạm Văn Thủy đánh giá, tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật nhất tạo nên giá trị đặc thù, khác biệt của vùng ĐBSCL là cảnh quan sông nước, miệt vườn gắn với hạ lưu sông Mekong với 9 nhánh cửa sông đổ ra biển và hệ thống kênh rạch chằng chịt.
Theo ông, ĐBSCL có nhiều cơ hội để phát triển du lịch, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất, sinh kế của người dân và cả du lịch của vùng ĐBSCL. Tính chất phân bố dân cư không tập trung, nhiều kênh rạch nên hạ tầng giao thông kết nối giữa các trung tâm đô thị với các điểm tài nguyên, khu du lịch được khắc phục chậm.
Đặc biệt, một trong những hạn chế lớn của ĐBSCL trong nhiều năm qua là vấn đề trùng lặp về sản phẩm du lịch do cùng khai thác sắc thái chung của tài nguyên tự nhiên là sông nước, miệt vườn; các địa phương chưa thực sự khai thác, phát huy thế mạnh riêng.
Đồng thời, việc khai thác các giá trị gia tăng của các sản phẩm du lịch chưa nhiều nên cho đến nay, mặc dù lượng khách đến vùng ĐBSCL chiếm gần 50% so với cả nước nhưng tổng thu từ du lịch chỉ chiếm dưới 10% so với cả nước.
Việc đầu tư cho phát triển du lịch còn khá khiêm tốn, ngoại trừ Kiên Giang (Phú Quốc) và Cần Thơ là hai địa phương thu hút đầu tư lớn nhất vùng, các địa phương khác hầu hết chưa thu hút được.
Bên cạnh đó, ĐBSCL còn khó khăn về điều kiện kinh tế – xã hội, mức sống của người dân chưa cao, trình độ dân trí thấp nên nhận thức về phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu (chưa đủ về số lượng và còn yếu về trình độ).
Định hướng phát triển du lịch ĐBSCL
Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy đã đề ra một số định hướng chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2030.
Về phát triển sản phẩm du lịch, tập trung phát triển theo 3 nhóm sản phẩm với thứ tự ưu tiên từ sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sông nước, miệt vườn, sinh thái, văn hóa) đến sản phẩm du lịch quan trọng (nghỉ dưỡng biển, đảo; gắn với công nghiệp giải trí, nông nghiệp, nông thôn), và sản phẩm du lịch bổ trợ (du lịch cộng đồng, gắn với các lễ hội, ẩm thực; du lịch MICE).
Về phát triển thị trường du lịch, đối với thị trường khách quốc tế cần chú trọng thu hút khách Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Úc, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia. Với thị trường khách nội địa, ưu tiên thu hút khách từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; mở rộng tiếp cận, khai thác thị trường khách với nhiều vùng khác.
Về tổ chức không gian phát triển du lịch, đối với phía Tây bao gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau: khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm tham quan đất Mũi, Tây Đô; biển đảo; sinh thái; chợ nổi… Đối với các tỉnh còn lại phía Đông, khai thác trải nghiệm đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, cách mạng, lưu trú nhà dân.
Tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia gồm: Thới Sơn (cù lao Long Lân Quy Phụng), Phú Quốc, Năm Căn – Mũi Cà Mau, Tràm Chim – Láng Sen, Núi Sam; 7 điểm du lịch quốc gia gồm: Khu phức hợp giải trí xứ sở Hạnh phúc, Cù lao ông Hổ, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, Bến Ninh Kiều, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu, Ao Bà Om.
Song song đó, phát triển TP. Cần Thơ và Phú Quốc thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng; phát triển TP Mỹ Tho thành trung tâm du lịch của không gian du lịch phía Đông và là trung tâm phụ trợ của vùng.
Ngoài ra, cần phát triển các tuyến du lịch nội vùng, liên vùng, quốc gia và quốc tế; đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch vùng ĐBSCL.
Theo Laodong