Nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle trưng bày 200 bức hình, hơn 60 trang phục truyền thống cùng những câu chuyện thú vị, hiện vật đặc sắc… trong triển lãm ảnh trực tuyến.
Triển lãm được trưng bày tại căn nhà cổ số 26 Phan Bội Châu (TP Hội An), nơi nhiếp ảnh gia Pháp gọi là Bảo tàng Di sản vô giá. Hiện nay, các tác phẩm trong triển lãm đã có mặt trên “bảo tàng số” Google Arts & Culture.
Triển lãm tranh về 54 dân tộc Việt Nam được chia thành 8 câu chuyện khác nhau, với những bức ảnh ghi lại người dân tộc Dao, Bố Y, Ơ Đu, Phù Lá, La Hủ, Pu Péo, Pà Thẻn và Si La trong trang phục dân tộc đầy màu sắc. Thông tin trên mỗi bức ảnh được truyền tải bằng cả tiếng Việt-Anh-Pháp. Hình ảnh của 54 dân tộc được khắc họa rõ nét về đặc điểm, lối sống, phong tục giúp người xem hiểu hơn về văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Réhahn sinh ra tại Normandy, Pháp, ông đã ghé thăm hơn 35 quốc gia trước khi quyết định dừng chân tại Hội An và coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Ông đặc biệt được biết đến thông qua những bức ảnh chân dung tại Việt Nam, Cuba và Ấn Độ. Ông từng ra mắt sách ảnh Mosaic of Contrasts năm 2014 và thực hiện triển lãm “Vẻ đẹp không tuổi” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Réhahn đã 5 năm để tìm tòi và trải nghiệm nền văn hoá đa dạng, phức tạp và sự tồn tại mong manh các di sản văn hoá của những nhóm dân tộc. Ông chụp những bức ảnh thể hiện văn hoá tương phản đặc trưng, thu thập những bộ trang phục truyền thống cùng các hiện vật quý giá.
Triển lãm được tổ chức tại căn nhà cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc tại Hội An. Nơi đây được trùng tu trang trí lại thành một bảo tàng nghệ thuật để kể lại những câu chuyện của 54 dân tộc Việt Nam.
Réhahn nhận xét, miền Bắc Việt Nam là khu vực có vẻ đẹp tuyệt mỹ. Ông đã đi đến những vùng xa nhất của đất nước để chụp ảnh các bộ tộc và lắng nghe các bài hát truyền thống của họ. Réhahn đặc biệt ấn tượng với người Si La trong trang phục đính đầy đồng xu bạc, đây được cho là vật mang lại may mắn.
Trong hành trình của mình, ông đã gặp những người Dao, người Pu Péo, người Khơ Mú và người Mông Hoa. Mỗi dân tộc lại sở hữu ngôn ngữ, kỹ năng, trang phục truyền thống khác nhau. Mặt khác, hành trình tại miền Trung và miền Nam của nhiếp ảnh gia cũng hết sức thú vị.
Ngoài ra, triển lãm ảnh trực tuyến “Di sản vô giá” của Réhahn trên nền tảng Google Arts & Culture còn đưa người xem thưởng lãm và tìm hiểu về kỹ thuật nhuộm màu chàm (Indigo dye) của dân tộc Dao, Nùng, Hmong và La Chí, giới thiệu quy trình sản xuất cà phê của người K’Ho, mật ong hữu cơ của người Cơ Tu…
Google Arts & Culture được ra mắt từ năm 2011 là nền tảng trực tuyến mang đến cho công chúng những hình ảnh và video có độ phân giải cao về các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật văn hóa từ các tổ chức văn hóa trên khắp thế giới. Điểm nổi bật của Google Arts & Culture là ứng dụng những công nghệ mới nhất như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) giúp người xem có thể tiếp cận được văn hóa nghệ thuật theo một cách thức mới mẻ, thú vị.