Ngày 23/1, nhiều người đến các đỉnh núi huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh hay khu vực cột mốc 1297, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, ngắm băng tuyết phủ trắng trời.
Sáng 23/1, do tác động của không khí lạnh, nhiệt độ giảm sâu dưới 0 độ C, các vùng núi cao của huyện Bình Liêu như Cao Ly, Cao Xiêm và khu vực cột mốc 1927 thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện băng. Ảnh: La Hoàng
“Lớp băng dày đã phủ lên khung cảnh ở cột mốc 1297 một màu trắng xóa”, anh La Hoàng (ảnh), sống ở huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, đến đây vào trưa ngày 23/1 cho biết.
Cột mốc 1297 thuộc xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, giáp với xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Cột mốc 1297 còn được biết đến với tên gọi “thiên đường cỏ lau”, khi hoa cỏ lau nở trắng các triền đồi vào khoảng tháng 10, tháng 11 hằng năm. Ảnh: La Hoàng
Từ trung tâm huyện Bình Liêu, anh Hoàng di chuyển đến xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn để đến cột mốc 1297. Vì là khu vực biên giới nên khi đến check in tại các cột mốc, du khách cần khai báo thông tin cá nhân với cán bộ biên phòng.
Đường đi bộ lên cột mốc 1297 cả đi và về khoảng 1,5 km. Một số đoạn dốc được làm thành bậc thang, có lan can sắt để đảm bảo an toàn. “Dọc đường đi có thể thấy băng bám vào thành lan can, trên những cành cây trụi lá. Càng lên cao lớp băng càng dày và nhiều hơn”, anh nói. Ảnh: La Hoàng
Cột mốc nằm ở độ cao khoảng hơn 1.000 m so với mực nước biển nên khi đến nơi, anh Hoàng cảm nhận rõ tác động của không khí lạnh. Lớp băng đọng lại trên các cành cây từ 3 – 5 cm, có chỗ gần 10 cm. “Băng bám vào các thân cây cỏ lau trông giống que kem, rất chắc chắn và chưa có dấu hiệu tan”, anh Hoàng cho biết.
Cột mốc nằm ở ranh giới hai tỉnh nên du khách có thể đến đây từ hai hướng. Nếu xuất phát từ trung tâm TP Lạng Sơn, quãng đường đến cột mốc dài hơn 100 km. Anh Hoàng khuyên du khách nên lựa chọn xuất phát từ Bình Liêu với quãng đường ngắn hơn, khoảng 20 km. Ảnh: La Hoàng
Sáng sớm ngày 23/1, nghe tin đỉnh núi Cao Ly thuộc huyện Bình Liêu cũng xuất hiện băng giá, Chu Xuân Cường (ảnh), hướng dẫn viên du lịch ở Bình Liêu, liền đến săn ảnh.
Núi Cao Ly thuộc dãy núi Cao Ly, nằm cách thị trấn Bình Liêu khoảng 18 km. Ảnh: Chu Xuân Cường
Sau khi chụp ảnh băng giá ở Cao Ly, anh Cường di chuyển đến cột mốc 1297 vì “nghe nói băng ở cột mốc dày và đẹp hơn”. “Băng ở Cao Ly mỏng và trong suốt, còn băng ở cột mốc 1297 dày và đặc hơn, giống lớp tuyết đóng trong tủ đá lâu ngày”, anh nhận xét. Ảnh: Chu Xuân Cường
Trên đường đến cột mốc, một số cây hoa đào đã nở. Những cánh hoa, nhụy hoa cũng được ướp trong lớp băng trong suốt. “Khung cảnh mang đến cảm giác sự giao hòa giữa mùa đông và mùa xuân”, anh nói. Ảnh: Chu Xuân Cường
Đến chiều ngày 23/1, có nhiều người dân địa phương, các thợ ảnh đến Bình Liêu và cột mốc 1297 để chiêm ngưỡng khoảnh khắc những cây cỏ lau được nhuộm trắng bởi băng giá.
Dãy núi Cao Ly ở huyện Bình Liêu trải dài trên diện tích khoảng 40 km2, gồm 8 đỉnh núi có độ cao khoảng 1.000 – 1.400 m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình ở dãy Cao Ly thấp hơn thị trấn Bình Liêu khoảng 4 độ C. Vì vậy, trong các đợt lạnh sâu, các đỉnh núi này thường xuất hiện băng giá. Ảnh: Chu Xuân Cường
Hiện thời tiết ở Bình Liêu vào khoảng 7 – 9 độ C, nhiệt độ trên núi thấp hơn khoảng 2 – 4 độ C. Trời nhiều sương mù và đường đèo trơn trượt, nguy hiểm, du khách đến ngắm băng giá cần cẩn trọng trong việc di chuyển. Với điều kiện thời tiết hiện tại, băng có thể tiếp tục xuất hiện vào ngày 24/1. Ảnh: Chu Xuân Cường
Theo Vnexpress