Hành trình của người đàn ông 44 tuổi đến từ Đan Mạch này khởi nguồn từ quyết định từ bỏ công việc toàn thời gian để thực hiện chuyến phiêu lưu định mệnh của cuộc đời vào tháng 10.2013.
Pedersen cho biết, khi không ngủ trên tàu, xe, trạm nghỉ, anh thường được người dân địa phương chào đón và nghỉ lại nhà của họ. Thậm chí, anh còn nhiều lần được mời đến nghỉ ngơi tại các khách sạn 5 sao. Pedersen chia sẻ thêm: “Trên thực tế, tôi thường phải từ chối ý tốt của mọi người vì nhận được quá nhiều lời mời hoặc điều đó không thuận tiện cho kế hoạch đi lại của tôi”.
Cuộc phiêu lưu kéo dài hàng thập kỷ của Pedersen được tài trợ bởi công ty sản xuất điện địa nhiệt Ross Energy. Công ty này đã gửi cho anh khoảng 600 USD (gần 15 triệu đồng) mỗi tháng.
Pedersen nói: “Họ cảm thấy kế hoạch của tôi thực sự điên rồ và muốn ủng hộ. Đây là chuyến đi chưa từng có trong lịch sử thế giới và họ muốn góp một phần vào đó. Ở một số nước như Singapore, tôi phải chi hơn 20 USD (500.000 đồng) một ngày. Nhưng ở những nước khác như Bolivia thì 20 USD là quá đủ”.
Để đến thăm 203 vùng lãnh thổ, anh đã đi khoảng 382.000 km và sử dụng 20 phương thức di chuyển khác nhau như: 351 chuyến xe buýt, 158 chuyến tàu, 43 chuyến xe tuk-tuk, 37 chuyến tàu container, 33 chuyến thuyền, 9 chuyến xe tải, 3 thuyền buồm, 2 tàu du lịch, 1 xe ngựa, 1 xe cảnh sát và một du thuyền. Ngoài ra còn có vô số chuyến xe máy, taxi, tàu điện ngầm và xe điện.
Tuy nhiên, vì các vấn đề liên quan đến visa và đại dịch cản trở chuyến đi, Pedersen đã mắc kẹt tại Hong Kong (Trung Quốc) hai năm. Bên cạnh đó, thời gian ngắn nhất anh dừng chân tại một điểm đến là 24 giờ ở Vatican.
Thời điểm tốt nhất và tồi tệ nhất
Hồi tháng 1.2020, Pedersen dự định ghé thăm và ở lại Hong Kong khoảng một tuần nhưng kế hoạch của anh đã thay đổi đáng kể khi đại dịch bùng phát.
Vào thời điểm đó, Pedersen cách mục tiêu của mình chỉ 9 quốc gia nữa: “Tôi đã cố gắng hoàn thành mục tiêu này trong một thời gian dài nhưng tôi không biết liệu mình sẽ bị mắc kẹt ở đó trong 5 tháng hay 5 năm. Mỗi ngày, tôi đều có lý do để bỏ cuộc và về nhà. Nhưng mỗi ngày tôi đều tìm được cách thuyết phục bản thân tiếp tục chiến đấu”.
Pedersen cho biết việc mắc kẹt ở Hong Kong là “khoảng thời gian tồi tệ nhất” trong cuộc đời nhưng giờ anh coi thành phố này như ngôi nhà thứ hai của mình: “Tôi cảm thấy như ở nhà lúc ở Hong Kong, thậm chí còn hơn cả khi ở Copenhagen. Đó vừa là một cơn ác mộng nhưng cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”.
Trải nghiệm cận kề cái chết
Pedersen cho biết một trong những trải nghiệm đáng sợ nhất đã xảy ra là trong chuyến đi đến biên giới giữa Cameroon và Congo. Sau khi lái xe hàng giờ trên con đường đất với um tùm cây cối hai bên, chiếc taxi của anh đã bị ba người đàn ông mặc đồ lính chặn lại.
Pedersen cũng từng là một người lính ở Đan Mạch, nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Eritrea và Ethiopia, nhưng đó là lần đầu tiên trong hành trình anh bị chĩa súng đe doạ. “Họ đã đặt ngón tay vào cò súng, vì vậy trong thâm tâm tôi biết rằng mình sẽ chết, đó có thể là điểm cuối con đường với tôi”, Pedersen kể lại.
Nhưng sau khoảng 45 phút, những người lính bất ngờ thả họ đi: “Ngay sau đó, tôi leo lên taxi, chạy khoảng 3km thì bảo tài xế dừng lại. Tôi xuống xe, ngồi bên lề đường và bắt đầu run rẩy trong suốt 10 phút”.
Pedersen cũng chia sẻ những kỷ niệm khác mà anh sẽ không bao giờ quên, trong đó có chuyến thăm Quần đảo Solomon, nơi anh chia sẻ máy tính xách tay của mình với những người dân làng không có điện và nước sinh hoạt.
“Khoảng 80 người dân làng ngồi quanh máy tính xách tay và cùng xem bộ phim chiến tranh ‘The Thin Red Line’ còn tôi ngả người ra sau, ngắm nhìn những cây cọ cùng biển sao trời lấp lánh”, Pedersen hào hứng kể lại.
Với những người muốn nối bước chân anh, Pedersen có lời khuyên: “Chuyến đi này chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời tôi và tôi đã phải trả giá rất đắt để có thể cố gắng tới đích. Đừng sống như tôi”, anh nhấn mạnh.
Theo Laodong