Đặt mục tiêu đến 2025 đón hơn 10 triệu lượt khách với tổng doanh thu hơn 13.000 tỉ đồng, Kiên Giang triển khai thực hiện các đề án phát triển du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững, theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Chiều 31.10, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch số 109 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy đối với phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến 2030.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Lưu Trung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chuyên nghiệp với hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ hiện đại, có sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và có tính cạnh tranh mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thân thiện với môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Theo thống kê, giai đoạn 2018 – 2023 tỉnh đã đón tiếp và phục vụ khoảng 37 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế hơn 2 triệu lượt, doanh thu đạt 66.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho gần 16.000 lao động trực tiếp.
Từ 2018 đến tháng 6.2023, toàn tỉnh thu hút được 50 dự án đầu tư du lịch. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh thu hút được 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích hơn 9.600 ha và tổng vốn đầu tư là hơn 372.000 tỉ đồng. Trong đó có 76 dự án đã đi vào hoạt động với tổng quy mô hơn 1.300 ha và tổng vốn đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng; 81 dự án đang triển khai xây dựng tổng vốn đầu tư khoảng gần 195.000 tỉ đồng; 160 dự án đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư tổng vốn đầu tư ước thực hiện gần 160.000 tỉ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định ngành du lịch Kiên Giang đã thể hiện vai trò ngành kinh tế chủ đạo; khẳng định vị trí, thương hiệu du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế như: điểm đến hấp dẫn, điểm đến mới nổi ở châu Á và thế giới, khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất châu Á…
Tuy nhiên các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn, hạn chế, bất cập, ví dụ như hệ thống chính sách, vai trò quản lý, nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp liên ngành hiệu quả chưa cao. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án chậm, các tuyến quốc lộ trọng yếu qua địa bàn tỉnh, các tuyến đường đấu nối từ quốc lộ vào một số điểm du lịch ngày càng xuống cấp, trở ngại cho phát triển tour du lịch đường bộ kết nối đến Kiên Giang.
Cơ sở lưu trú phát triển nhanh, nhưng tình trạng xây dựng không phép, không theo quy hoạch diễn ra phức tạp, nhất là ở Phú Quốc. Một số phương tiện vận chuyển khách du lịch trên biển chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật. Ngoài Phú Quốc, các địa phương du lịch trọng điểm vẫn còn lúng túng trong quy hoạch chi tiết phát triển các khu, điểm du lịch nên gặp khó khăn trong kêu gọi, thu hút đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm lâu dài, cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất. Xác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đồng thời phát triển du lịch góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
“Xác định cụ thể trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện; tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nội địa, gắn với các hoạt động du lịch quốc tế; phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh thương hiệu du lịch Kiên Giang, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”, ông Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh.
Theo Laodong