Thay vì mở cửa ôtô để chạy ra ngoài khi đang ở trong đám cháy, du khách nên ngồi im bên trong, đóng cửa sổ, quấn chăn quanh người và nằm xuống sàn.
Những bức tường lửa sáng rực, những cuộc thoát hiểm trong gang tấc, mọi thứ đều bị thiêu trụi là trải nghiệm ám ảnh của nhiều người khi đối mặt cháy rừng tại Los Angeles, Mỹ.
Jon Heggie, cựu trưởng phòng thuộc Sở lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy California, Mỹ (Cal Fire), hiểu cảm giác đối mặt với cháy rừng như thế nào. Một vụ cháy rừng sẽ khiến sức nóng rực lửa xuyên qua cơ thể, khó thở, khói làm mờ tầm nhìn, cây cháy đổ rạp xuống đất. “Không thể mô tả bằng một câu. Những gì bạn cảm thấy từ một vụ cháy lớn là quá tải về mặt cảm xúc”, Jon nói.
Dưới đây là kinh nghiệm của Jon và các chuyên gia để phòng tránh cũng như sống sót nếu bị kẹt trong đám cháy rừng khi đi du lịch.
Tìm hiểu về cháy rừng trước khi đi du lịch
Người dân xung quanh khu vực dễ xảy ra cháy rừng có thể đã quen với việc theo dõi thông tin mỗi ngày. Du khách, những người ít kinh nghiệm hơn, cũng nên làm theo. Khách cũng nên chú ý đến môi trường xung quanh nơi mình lưu trú để có thể thoát hiểm dễ dàng nếu đám cháy xảy ra.
Beth Pratt, CEO khu vực California của Liên đoàn Động vật hoang dã quốc gia, cũng sở hữu một ngôi nhà ngay bên ngoài Vườn quốc gia Yosemite, cho biết nơi này rất dễ xảy ra cháy rừng. Pratt nói điều cần thiết là luôn phải cảnh giác và cần linh hoạt với các kế hoạch, thay đổi tuyến đường đi khi cần thiết.
Nick Mott, tác giả cuốn sách về cháy rừng, cho biết khách cần chú ý đến cái gọi là “cảnh báo cờ đỏ” hay cảnh báo thời tiết khi có nguy cơ cháy rừng cao. Mott nói khách cần chú ý đến thông báo “nhiệt độ cực cao, gió mạnh” và tránh xa khu vực này.
Hội Chữ thập đỏ Mỹ cũng khuyên nên rời khỏi khu vực xảy ra đám cháy trước khi có thông báo sơ tán chính thức.
Nhận cảnh báo trên điện thoại
Du khách có thể đăng ký nhận cảnh báo trên điện thoại tại những nước có ứng dụng này như Airshow, ứng dụng theo dõi cháy rừng ở Bắc Mỹ hoặc AFFIS, hệ thống thông tin cháy rừng ở châu Âu, My Fire Watch ở Australia. Khi đi đường, hãy nghe đài phát thanh địa phương, các kênh tin tức để nhận thông tin về nơi sắp đến hoặc đang lưu trú.
Chuẩn bị sẵn sàng để thoát thân
Khi ở khu vực dễ xảy ra cháy rừng, khách không chỉ nên có kế hoạch thoát hiểm mà còn nghiên cứu một số tuyến đường thoát hiểm thay thế, theo Jon. Nick Mott cho rằng du khách không nên chỉ dựa vào Google maps mà hãy chuẩn bị thêm một bản đồ cầm tay trong trường hợp mất Internet.
Chuẩn bị bộ dụng cụ sinh tồn
Chuẩn bị nhiều nước, thức ăn, quần áo dự phòng trong xe. Theo Jon, dụng cụ cần thiết khi đi cắm trại có thể hữu ích cho sinh tồn trong trường hợp này. Hội Chữ thập đỏ khuyên nên mang theo radio chạy bằng pin.
Khẩu trang cũng là thứ không thể thiếu vì chúng có khả năng giúp du khách phòng khói, giảm hít phải hơi độc. Chất lượng không khí tại những nơi cháy rừng sẽ giảm nhanh chóng. Khẩu trang được các chuyên gia tin dùng là N-95.
Nếu nhìn thấy khói hoặc lửa, hãy báo cho cơ quan thẩm quyền, người giám sát hoặc quản lý tại khách sạn ngay lập tức.
Mở rộng phạm vi thời gian và địa điểm giám sát cháy
Nhiều du khách coi mùa hè ở California và những nơi khác ở bờ Tây nước Mỹ là “mùa cháy”. Tuy nhiên, sau đợt cháy rừng ở Nam California đầu tháng 1, nhiều chuyên gia nhận định nên mở rộng thời điểm và địa điểm cháy vì những yếu tố này thay đổi lớn theo từng năm.
“Chúng ta không nghĩ đến thảm họa cho đến khi nó xảy ra”, Mott nói. Theo đó, khách cần nghĩ đến thời gian cháy rừng có thể xảy ra quanh năm, không riêng mùa cố định. Bất kỳ nơi nào có thời tiết nắng nóng, nhiều cây bụi và cỏ khô, gió lớn đều có thể xảy cháy rừng.
Nếu đang ở trong xe giữa đám cháy
Nếu du khách đang ở trong xe và đám cháy rừng bắt đầu bao quanh, hãy kiềm chế ý định chạy ra ngoài. Theo Jon, xe cộ rất hữu ích trong việc bảo vệ con người khỏi hỏa hoạn. Nếu bị lửa bao trùm hoàn toàn, hãy cố gắng trú ẩn trong xe, đóng mọi cửa sổ và lỗ thông hơi của xe, quấn áo khoác quanh người và nằm trên sàn xe. “Bạn sẽ an toàn hơn nhiều. Dù không có gì đảm bảo, nhưng trong xe vẫn tốt hơn ở bên ngoài không có gì bao bọc”, Jon nói.
Nếu vẫn có thể nhìn thấy đường, du khách nên cố gắng lái xe ra khỏi khu vực hỏa hoạn.
Nếu đang ở trong khách sạn
Theo Jon, du khách có nhiều cơ hội sống sót khi ở trong nhà hơn ở ngoài, nếu khách sạn bị bao quanh bởi các bức tường lửa. Khi đó du khách cần đóng các cửa sổ, cửa ra vào, chặn khăn ướt dưới các ô cửa sổ, cửa ra vào, chuẩn bị sẵn bình chữa cháy và đổ đầy nước vào bồn rửa, bồn tắm, xô để dập tắt các tàn lửa.
Nếu đang ở ngoài đường
Hãy gọi số cứu hộ khẩn cấp, cung cấp vị trí chính xác đang đứng. Tại một số nước như Mỹ, đội cứu hộ có thể đưa trực thăng đến cứu hoặc lính cứu hỏa có thể cố gắng dập tắt đám cháy xung quanh chỗ khách đang đứng.
Nếu tìm chỗ ẩn náu khi ở giữa thiên nhiên, nơi tệ nhất là các khe núi thấp, các con mương đầy thảm thực vật khô. Khách nên tránh xa các khe núi vì chúng có thể trở thành phễu lửa.
Mott gợi ý khách nên trú ẩn trong hoặc gần một vùng nước, điều mà anh đã làm tại đám cháu rừng ở Maui. “Nếu bạn đang ở một vùng hoang dã hay trên bãi biển, hãy xuống nước”, Mott nói. Nếu không biết bơi, khách nên xuống nước và đứng ở vị trí xa bờ nhất có thể.
Theo khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên của Đại học California, mọi người nên cố gắng tìm các khu vực khó cháy để ẩn nấp như các cánh đồng được tưới tiêu, sân golf, bãi đậu xe lát đá và ao, hồ. Khách nên trú ẩn bên những tảng đá lớn, mỏm đá.
Nguy hiểm sau khi đám cháy quét qua
Hội Chữ thập đỏ khuyên du khách tránh xa tro nóng, mảnh vụn đang cháy âm ỉ, than hồng, đường dây điện và cột điện, dây diện bị hư hỏng, đổ.
Mott cho biết du khách nên nghiên cứu trước và chuẩn bị các tình huống xấu nếu mắc kẹt trong đám cháy rừng nhưng không nên lo lắng quá mức về điều này. “Không lo lắng quá mức rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần, giúp chúng ta nhìn thấy những thứ tích cực bên cạnh nghĩ tới những tình huống xấu”, Mott nói.
Anh Minh (Theo CNN)