Nếu có dự định phượt xe máy từ TP HCM về quê dịp Tết, bạn có thể tham khảo lộ trình, điểm dừng ngắm cảnh và lưu ý an toàn trong chuyến đi theo 4 cung đường chính.
Từ TP HCM đi các tỉnh có nhiều cung đường phù hợp cho chuyến phượt xe máy, cũng là tuyến đường về quê ăn Tết của nhiều người. Có các cung đường phổ biến gồm TP HCM đi miền Trung qua các địa phương ven biển; TP HCM đi Tây Nguyên chia hai hướng, lên Đà Lạt hoặc lên Đắk Nông, Buôn Ma Thuột; từ TP HCM về các tỉnh miền Tây.
Dưới đây là gợi ý lộ trình, điểm dừng ngắm cảnh, điểm lưu trú, ăn uống và lưu ý an toàn trong chuyến đi, dựa trên tư vấn của một số nhóm phượt từng đi qua những cung đường này và khảo sát từ Google Maps.
TP HCM đi miền Trung
Từ TP HCM, các cung đường phổ biến là dừng ở một trong 8 tỉnh thành vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, xa hơn là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị. Hành trình ngắn nhất là từ TP HCM đi Bình Thuận khoảng 200 km, xa nhất là TP HCM đi Quảng Trị khoảng 1.079 km.
Ngoài chạy thẳng quốc lộ 1A, bạn có thể chọn bám cung đường ven biển. Từ TP HCM đến Quảng Trị sẽ đi xuyên 10 tỉnh ven biển gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị.
Nếu điểm đừng của bạn là từ Nha Trang trở ra Quảng Ngãi, có thể dành thêm thời gian khám phá khu vực Tây Nguyên, tham quan ngã ba Đông Dương tại Kon Tum, check in cực Đông tại Mũi Điện, Phú Yên.
Cung đường này không giới hạn thời gian di chuyển. Tùy nhu cầu dừng nghỉ, tham quan mà du khách lựa chọn lịch trình phù hợp. Nếu chỉ tập trung chạy xe, check in một số điểm dọc đường, thời gian tối thiểu cho quãng đường dài nhất TP HCM – Quảng Trị khoảng 24-30h. Nếu không áp lực về thời gian, bạn nên nghỉ qua đêm tại một số điểm du lịch như Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng để lấy sức, tiện dạo chơi ngắm cảnh, sau đó tiếp tục hành trình.
Theo kinh nghiệm của một du khách chạy cung này 2-3 lần, bạn nên di chuyển từ TP HCM lúc sáng sớm, chiều cũng nghỉ sớm trước 17h, hạn chế chạy đêm dễ buồn ngủ và nhiều xe lớn qua lại. Chạy xe cần đúng tốc độ và làn đường, qua quốc lộ 1A nhiều xe lớn chạy rất nhanh, thậm chí có phương tiện đi ngược chiều nên cần tỉnh táo quan sát và đi hai người thay phiên nhau lái xe.
Giữa chặng nên có quãng nghỉ ngắn 15-30 phút tại các quán cà phê võng dọc đường. Điểm lưu trú cung đường này sẵn có, từ các nhà nghỉ ven quốc lộ đến các khách sạn trong thành phố.
TP HCM đi Tây Nguyên
TP HCM – Đà Lạt
Cung đường này được đánh giá là dễ đi và có có nhiều hướng di chuyển. Ngoài chạy theo tuyến quốc lộ 20, có 5 hướng đi xe máy từ TP HCM đến Đà Lạt phù hợp để ngắm cảnh dọc đường, qua nhiều điểm du lịch nổi tiếng.
Hướng TP HCM – Trị An – Nam Cát Tiên – Đạ Tẻh – Đèo Con Ó – Bảo Lâm – Đèo Tà Nung – Đà Lạt. Tổng chặng đường khoảng 360 km, nên dành một ngày rưỡi di chuyển. Tối ngủ ở Nam Cát Tiên hoặc Đạ Tẻh, trưa ngày hôm sau sẽ tới Đà Lạt. Cung đường này có đường nhựa chạy êm, vắng xe, đèo dốc không nhiều khúc cua gắt như các đèo Gia Bắc, Đại Ninh hay Sông Pha.
Hướng TP HCM – Bà Rịa – Lagi – Phan Thiết – Bàu Trắng – Vĩnh Hy – Cam Ranh – Sông Pha – Đà Lạt. Tổng quãng đường 515 km, nên đi trong 2 ngày nếu đi bằng xe máy, dừng ngắm cảnh nhiều điểm.
Hướng TP HCM – Bà Rịa – Hồ Cốc – Lagi – Tánh Linh – Hồ Đami – Bảo Lộc – Tà Nung – Đà Lạt. Cung đường này khoảng 430 km, đường vắng. Nên đi 2 ngày nếu chạy xe máy. Đường đèo Sông Pha có nhiều xe tải chạy chuyến Phan Rang – Đà Lạt, du khách nên quan sát cẩn thận.
Hướng TP HCM – Bà Rịa – Hồ Cốc – Lagi – Kê Gà – Phan Thiết – Đèo Gia Bắc – Di Linh – Tà Nung – Đà Lạt, Cung đường 443 km, nên di chuyển trong 2 ngày. Đường đèo Gia Bắc ít xe nhưng khá nhỏ, nhiều khúc cua tay áo nên cẩn trọng khi lái xe.
Hướng TP HCM – Bà Rịa – Hồ Cốc – Lagi – Kê Gà – Phan Thiết – Đèo Lương Sơn – Đại Ninh – Đức Trọng – Tà Nung – Đà Lạt. Cung này hơn 400 km, thay vì leo đèo Gia Bắc thì leo đèo Lương Sơn – Đại Ninh.
Các cung đường này chia theo hướng đường núi và đường biển. Cung đường núi đi qua các điểm tham quan đáng ghé thăm như Trị An, Nam Cát Tiên, Tà Nung, Thác Ponguar. Đường biển có biển Hồ Cốc – Hồ Tràm, Phan Thiết – Mũi Né, Mũi Kê Gà – Lagi, biển Cổ Thạch.
Các cung đường này đều chạy qua các điểm du lịch, sẵn phòng lưu trú qua đêm. Tuy nhiên, bạn nên xác định trước cung đường, chủ động tìm kiếm và đặt trước nhà nghỉ, khách sạn tại điểm dự định dừng nghỉ. Nếu nghỉ ngắn giữa chặng có dừng tại nhà dân ven đường, có võng nằm chợp mắt. Vì lộ trình di chuyển là chính, bạn có thể lựa chọn các điểm ăn uống dọc đường đi để tiết kiệm thời gian.
TP HCM – Buôn Ma Thuột, Đắk Nông
Tổng lộ trình từ TP HCM tới thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lăk dài khoảng 320 km. Cung đường này bằng phẳng, dễ đi, qua những địa danh du lịch nổi tiếng của các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và Đắk Lắk. Từ trung tâm Sài Gòn, đi theo hướng quốc lộ 13 về phía Bình Dương, tới khu du lịch Đại Nam sẽ gặp một ngã tư lớn là ngã tư Sở Sao.
Đi tiếp quốc lộ 13 sẽ tới Lộc Ninh, cửa khẩu Hoa Lư của tỉnh Bình Phước. Từ đây rẽ phải theo đường ĐT741 băng qua các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, dừng chân ở thành phố Đồng Xoài, Bình Phước. Nếu đi từ 5h ở TP HCM, khoảng 7h sẽ đến Đồng Xoài. Tiếp tục theo quốc lộ 14 hướng về Đắk Lắk, đi qua huyện Bù Đăng, huyện Đắc R’Lap và đến trưa là tới Gia Nghĩa (Đắk Nông).
Ở Đắc R’Lap có một con đường chạy dọc biên giới Campuchia là quốc lộ 14C, đi hết đường này sẽ tới thị trấn Dak Mil (Đắk Nông), không qua Gia Nghĩa. Đường đi này được nhiều người đánh giá không đẹp, bù lại có nhiều cảnh đẹp, ít xe qua lại. Từ Dak Mil tới Buôn Ma Thuột cách khoảng còn 60 km, trên đoạn đường này có những địa danh du lịch nổi tiếng như thác Dray Sap, Dray Nur nằm giữa địa giới Đăk Nông – Đắk Lắk.
Hành trình này thường di chuyển trong này. Nếu có nhu cầu vui chơi ngắm cảnh, bạn có thể dừng nghỉ ở Gia Nghĩa. Tại đây có một số homestay, farmstay như Yumin Farm house, Hoa Đất Garden, Ngô Gia Trang; ở huyện Đăk R’Lấp có Molly Home; ở Đăk Mil có Montagnards Home Farm, giá từ 150.000 đến 1 triệu đồng một đêm.
Từ trung tâm thành phố Gia Nghĩa, trong vòng bán kính khoảng 50 km, Đăk Nông có rất nhiều nơi để khám phá như vườn quốc gia Tà Đùng, Dãy núi lửa Nâm Kar, Thác Liêng Nung, thác Đắk G’lun.
TP HCM đi miền Tây
Di chuyển từ TP HCM đến 12 tỉnh miền Tây có nhiều hướng, trong đó có 4 lộ trình dành cho xe máy. Tùy vào điểm dừng, bạn có thể chọn lộ trình phù hợp
Hướng TP HCM đi quốc lộ 1 – Ngã ba Phú Mỹ (Tiền Giang) – Tỉnh lộ 866 – Tỉnh lộ 865 – Tỉnh lộ 867 – Quốc lộ 1.
Hướng TP HCM đi quốc lộ 1 – Tỉnh lộ 868 – đường Tứ Kiệt – Quốc lộ 1. Cung đường đi này dễ xảy ra ra ùn tắc ở ngã tư Cai Lậy (Tiền Giang).
Hướng TP HCM đi quốc lộ 1 – Võ Việt Tân (Tiền Giang) – Thanh Tâm, Cai Lậy (Tiền Giang) – Tỉnh lộ 868 – Đường Tứ Kiệt (Tiền Giang) – Quốc lộ 1.
Hướng TP HCM đi quốc lộ 1 – TP Vĩnh Long (Phó Cơ Điều) – Quốc lộ 57 – Tỉnh lộ 882 – quốc lộ 60 – cầu Hàm Luông (Bến Tre) – Quốc lộ 60 – cầu Rạch Miễu – ngã ba Trung Lương – Quốc lộ 1.
Các tỉnh miền Tây cách TP HCM trong phạm vi dưới 200 km, điểm dừng xa nhất là tỉnh Cà Mau, cách 179 km, gần nhất là tỉnh Long An, cách khoảng 55 km. Di chuyển bằng xe máy chủ yếu đi trong ngày. Đường miền Tây nhìn chung dễ đi, nhưng có một số đoạn nhiều ổ voi, ổ gà, bạn nên chú ý quan sát.
Về miền Tây mùa xuân, bạn có thể ghé thăm các làng hoa đang độ khoe sắc như làng hoa Tân Quy Đông ở Sa Đéc, Đồng Tháp; làng mai Phước Định ở Vĩnh Long; làng cây kiểng Cái Mơn ở Bến Tre; làng hoa Vị Thanh ở Hậu Giang và làng hoa Mỹ Phong ở Tiền Giang.
Theo Vnexpress