Không chỉ tháp nước Hàng Đậu, nhiều địa danh lịch sử đặc biệt tại Hà Nội đóng cửa nhiều năm qua khiến du khách tò mò, chờ ngày mở cửa.
Ô Quan Chưởng
Ô Quan Chưởng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là cửa ô duy nhất còn sót lại của kinh thành Thăng Long xưa. Kiến trúc cổ này nằm tại ngã tư Hàng Chiếu và Đào Duy Từ.
Ô Quan Chưởng được xây dựng theo kiểu mái vòng với hai tầng. Ở giữa là cổng chính có chiều cao 3 mét, hai bên là cổng phụ. Tầng trên là vọng lâu 4 mái, đây là địa điểm lính tuần thường đứng để quan sát xung quanh thời xưa.
Ở bên dưới, có một chiếc cổng tò vò nhỏ, là nơi có bậc thang dẫn lên tầng hai nhưng hiện bị khoá. Trải qua hàng trăm năm, công trình vẫn giữ được nét đẹp vốn có, là địa điểm được đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm.
Biệt thự Bảo Đại
Ẩn mình trong ngõ 186 Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) là “Dinh thự Bảo Đại” có phong cách thiết kế pha lẫn giữa sự hiện đại của phương Tây và mái ngói của phương Đông. Căn biệt thự hiện vẫn gìn giữ được nét đẹp vốn có.
Dinh thự này nay thuộc sở hữu của tư nhân, và từng mở cửa cho du khách tham quan tự do trong một tháng vào đầu năm 2021.
Cột cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội được xây dưới thời Nhà Nguyễn trên nền đất cũ của Tam Môn và mất 7 năm để hoàn thiện. Trong lịch sử, cột cờ Hà Nội được gọi là Kỳ Đài, từng được chuyển thành tháp canh vào năm 1888 – 1891 và có hồ nước phía trước.
Công trình tọa lạc tại số 28A Điện Biên Phủ (Ba Đình, Hà Nội). Hiện nay, du khách chỉ có thể tham quan tới tầng đế thứ ba, phần bên trong thân cột cờ, lối dẫn lên đỉnh vẫn đóng cửa suốt những năm qua.
Bưu điện Hà Nội
Nằm tại vị trí Hồ Hoàn Kiếm là Bưu điện Hà Nội, hiện nay là trụ sở của VNPT Hà Nội. Bưu điện được xây dựng trên vị trí chùa Báo Ân cũ, theo kiến trúc của Pháp, mặt chính bưu điện hướng ra phố Đinh Tiên Hoàng. Bưu điện được xây dựng năm 1976 và 2 năm sau đó, chính thức đi vào hoạt động.
Hiện nay, du khách vẫn có thể ghé thăm tầng 1 của bưu điện. Nhiều người mong muốn được tham quan kiến trúc những tầng còn lại của Bưu điện Hà Nội, đặc biệt là khu vực tầng thượng.
Căn nhà số 38 Lý Thái Tổ
Nằm trong khuôn viên Cung thiếu nhi là căn nhà số 38 Lý Thái Tổ. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ký Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946. Công trình được thiết kế hai tầng mang đậm kiến trúc của Pháp, mặt trước hướng ra phố Lê Lai. Rất nhiều du khách mong muốn được khám phá căn nhà này.
Theo Laodong